Đến với mảnh đất Tây Nguyên – ĐăkLăk, chúng tôi mong chờ biết bao để cảm nhận sâu sắc và chân thật cái “lộng nắng và gió”. Không chói chang, gắt gỏng, nắng Tây Nguyên hiền lành và thân thiện, không bão bùng, lấn lướt, gió Tây Nguyên hoang dại và phóng khoáng. Thế nhưng “ Có những ngày nắng phải nhường cho mưa, tưới mát dịu đi những trưa hè”. Có lẽ vậy, nên ĐăkLăk chào đón đoàn chúng tôi bởi vị chủ mang tên “mưa rào rả rít”… Những giọt mưa rơi lấm tấm, rồi lăn xuống nhẹ nhàng trên khung cửa sổ của xe như vẫy chào những vị khách ghé thăm. Thoang thoảng là hương vị cà phê Ban Mê…
Tôi thoạt nhìn những gương mặt trên chuyến xe, kia là những vị tu sĩ trẻ, là những bạn sinh viên, đây là những người cô chú nông dân hay những anh chị nhân viên văn phòng. Chúng tôi – những người có độ tuổi khác nhau, công việc khác nhau, sinh ra và lớn lên từ những vùng miền khác nhau, thậm chí, có những nếp sống, tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau. Thế nhưng, chúng tôi đang đều đang có mặt tại đây, cùng thở, cùng yêu thương, cùng đồng hành với nhau trên chuyến xe Vicaris, cùng “nuôi dưỡng ước mơ trẻ thơ”. Và sự gặp gỡ sắp tới đây của chúng tôi, còn có một gắn kết đặc biệt, đó là sự hòa hợp tôn giáo.
Về với miền quê ĐăkLăk lần này, đoàn chúng tôi đến thăm hỏi và tìm hiểu về gia đình của 2 anh em Phúc và Hậu, Phúc năm nay học lớp 9 còn Hậu học lớp 7 tại một trường huyện gần nhà. Không được may mắn như bao em nhỏ được sống trong tổ ấm có Cha có Mẹ, Phúc và Hậu từ nhỏ đã sống cùng ông bà ngoại nay đã già yếu. Cha Mẹ các em xa nhau, dưới những lí do “không tên” mà người lớn đã đặt ra cho cuộc sống, Cha bỏ đi, một mình người mẹ phải gồng gánh nuôi dạy các em. Rồi, Mẹ đành gửi các em về ở cùng ông bà ngoại, sau đó lặn lội vào Sài gòn làm giúp việc, công việc bấp bênh, mai đây, nay đó để kiếm tiền gửi về cho các con ở nhà có cái ăn, cái học.
Đón đoàn chúng tôi, Phúc cất lời “ Chào cô chú, chào anh chị ạ!”, cái chất giọng miền Trung chân chất, thanh âm rè rè của chàng trai mới lớn. Hậu lí nhí theo sau anh Phúc, thỉnh thoảng mặt nhăn lại vì cái tay đang gãy phải bó bột. Nét hồn nhiên, thông minh, thấp thoáng vẻ rụt rè vì lần đầu có nhiều người đến ghé thăm các em, mà toàn là những người lạ. Đang trò chuyện cùng chúng tôi, đến đoạn kể về Cha, về Mẹ, chợt giọng Phúc trầm xuống rồi khẽ nhìn sang em Hậu, phảng phất trong ánh mắt nét đượm buồn, đôi tay gầy của em bối rối đan vào nhau. Một bản nhạc hay sẽ thường có những nốt trầm bổng đan xen, nhưng có lẽ, cảm giác thiếu vắng tình thương của Cha Mẹ đã để lại cho các em một nốt trầm thật dài và nghẹn ngào trong cuộc sống. Thế là, từ những người lạ chúng tôi đã làm quen, đã gắn kết cùng các em. Và có lẽ, giữa thật nhiều câu chuyện yêu thương ngày hôm nay, có một sự gặp gỡ đặc biệt, một sự hòa đồng tôn giáo.
Theo tìm hiểu, gia đình của Phúc và Hậu có truyền thống theo đạo Thiên Chúa giáo, các em sinh ra, lớn lên, được tiếp xúc và tiếp nối truyền thống này từ Ông bà, cha mẹ. Nhìn hình ảnh vị tu sĩ Phật giáo và những Giáo dân, người sẵn sàng trao tặng yêu thương, người thì thành kính đón nhận, thật sự gần gũi và chan hòa biết bao! Giờ phút ấy, tại nơi ấy, ranh giới giữa sự khác biệt về tôn giáo không còn nữa, thay vào đó là sự gắn kết yêu thương thật sự.
“Uống nước nhớ nguồn”, dù ta có là ai, có đi bao xa thì ta cũng phải luôn nhớ về nguồn gốc, cội nguồn của mình, có vậy, ta mới thật sự có nền móng vứng chắc, những bước đi của ta mới vững vàng. Về tín ngưỡng tôn giáo cũng vậy, tổ tiên và ông bà đã gầy dựng và trao truyền, chúng ta là những thế hệ sau cần giữ gì và phát huy cũng như tiếp nhận những điều mới một cách phù hợp với môi trường và hoàn cảnh hiện tại. Đó mới là sự tu tập thực sự.
Tôi có đọc được một đoạn Trong Thánh kinh, Đức Giêsu đã căn dặn những ai có đức tin, là con chiên của Người cần phải “hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu và tránh đi những điều xấu, đó là: “Ngươi chớ giết người. Ngươi chớ phạm tội tà dâm. Ngươi chớ trộm cướp. Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình. Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai, tớ gái, bò, lừa hay là vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi”. Tất cả những điều này cũng được Đức Phật hướng người Phật tử tu tập để rèn luyện bản thân qua quy y ngũ giới “ Không sát sinh hại vật. Không trộm cướp lường gạt. Không tà dâm bất chính. Không nói dối. Không uống rượu”.
Từ thuở sơ khai ra đời cho đến ngày hôm nay, tất cả các tôn giáo chính thống đều có bản chất rất tốt đẹp, đều hướng đến việc giáo dục con người ta một lối sống hướng thiện, chan hòa, bao dung và tránh làm điều ác. Nhưng khi bản chất bị lãng quên, thì hình thức sẽ trở nên quan trọng và khi con người ta quên đi bản chất của tôn giáo, quên đi lời dạy của Chúa Giêsu hay của đức Phật, cùng với sự hiểu biết vế tâm linh không sâu sắc và chỉ học về tôn giáo qua lý thuyết, đó là những người hay tranh cãi để chứng minh rằng tôn giáo của mình là dúng. Còn những người dựa trên bản chất thực sự của tôn giáo để áp dụng vào thực tế, biết tiếp thu và đón nhận những điều tốt đẹp từ những tôn giáo khác sẽ trở nên rất hiểu và thông cảm được với nhau.
Không bao giờ có 2 chiếc lá giống hệt nhau, con người cũng vậy, tư tưởng, ý nguyện của mỗi người đều có những nét khác nhau, đặc biệt niềm tin tôn giáo lại càng khó có thể thống nhất, vậy nên chúng ta mới từng chứng kiến rất nhiều những câu chuyện về sự phân biệt, sự đả đảo tôn giáo của nhau từ những người thiếu hiểu biết và cuồng tín. Vậy làm sao để chung sống cùng nhau? Giữa muôn vàn những va chạm và giao thoa của cuộc sống, thật hiếm để tìm được một cộng đồng toàn những Phật tử hay những Giáo hữu. Thế nhưng, chúng ta vẫn có thể chung sống cùng nhau trên nền tảng của sự thấu hiểu và hòa hợp.
Bản chất cát vẫn là cát, nấm vẫn là nấm, nhưng hạt cát nếu rơi và miệng trai thì có thể trở thành hạt ngọc quý, hay như nấm cùng cộng sinh với tảo thành địa y thì cả hai cùng tồn tại và phát triển. Chính vì vậy, con người ta, bên cạnh việc gìn giữ vẻ đẹp và bản chất nguyên sơ, gốc rễ của tôn giáo mà ông bà tổ tiên trao truyền, ta cần phải đón nhận những chất liệu và trí tuệ quý giá từ các nền tôn giáo khác như tiếp nhận một chất bổ dưỡng để nuôi dưỡng, để hoàn thiện chính mình.
Thế nên, chúng tôi, những vị tu sĩ Phật giáo có mặt ngày hôm nay không phải với vai trò là một người truyền đạo, mà chúng tôi đến để cùng xây dựng và trao gửi những giá trị yêu thương thật sự trong cuộc sống đến Phúc và Hậu, sự khác nhau về tôn giáo không thể ngăn cách chúng ta yêu thương nhau.
Hôm ấy, chúng tôi có gửi tặng Phúc những cuốn sách, với mong muốn trao tặng những giá trị tốt lành cho các em. Và, chúng tôi đã thật hạnh phúc khi nhận được lá thư tay của Phúc, em đã viết bằng tất cả sự mộc mạc của cậu bé Tây Nguyên, có đoạn “ Cảm ơn gia đình Vicaris đã trao tặng những quyển sách có nội dung rất hay và ý nghĩa, trong đó, con thích đọc nhất là cuốn “Mở lối yêu thương” của Sư cô Thích Nữ Nhuận Bình, có nhiều điều rất hay mà con cần phải học hỏi thêm”.
Mỗi người chúng ta sẽ Trở thành tín đồ của một đấng nào đó không quan trọng bằng việc mình trở thành một người sống lành thiện ở cuộc đời này. Ngôi nhà Vicaris luôn đồng hành và hỗ trợ các em cả đời sống tinh thần, mong các em Phúc và Hậu sẽ vững vàng vượt qua nghịch cảnh của cuộc sống để trở thành những người có ích cho xã hội như đúng cái tên mà Cha Mẹ đã trao đặt cho các em “ Phúc – Hậu”
Tiểu Ngọc – BGD Vicaris
Bình luận