Tâm thức con người được xem là khỏe mạnh khi điều đó được dựng xây trên sự dung hòa bởi sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần, để tâm thức được sáng tỏ hanh thông cũng là một hành trình dài tôi luyện cho sức khỏe vững mạnh. Và có lẽ, để đạt được sự khỏe mạnh, sự hòa bình trong tâm hồn, vươn đến sự bình an, thanh thản trong tâm thức là khi ta biết bắt đầu từ việc nhỏ nhất: chọn lọc những gì ta đưa vào cơ thể và tâm trí.
Sân hận, bực bội, tuyệt vọng dường như trở thành một dòng nhận thức tiêu cực bám víu vào những mảnh tâm hồn của những người tiêu thụ các thức ăn khởi sanh từ sân hận, từ đau khổ: từ nỗi đau của những con vật bị kết liễu trong đau đớn đến cùng cực, từ lòng hận thù khi bị sát hại, từ sự tuyệt vọng bủa vây chẳng thể thoát khỏi số mệnh khốn cùng. Những dòng cảm xúc ấy qua quá trình con người tiêu thụ các thức ăn hàm chứa sẽ dần bóp méo phần ý thức sáng trong, trí tuệ của bản thân, làm con người dễ nổi nóng hơn, dễ sanh tâm hận thù, phát xét, khiến ta sa đọa vào vũng lầy của những xúc cảm tâm tối, càng vùng vẫy lại càng lún sâu hơn. Thế mới thấy, những phần thức ăn ta dung nạp vào bản thân mỗi ngày đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng, phát triển bề sâu tâm hồn, phát triển những thứ thuộc về “ bên trong “. Nếu ta dung nạp những thứ dễ chịu ta sẽ giúp tâm hồn mình ngày càng chánh niệm, rộng mở để đón lấy nhiều điều dễ thương hơn, từng bước trở về an trú trong tỉnh thức. Ngược lại, nếu ta chỉ chú ý đến tướng món ăn, ta chỉ dung nạp những thứ mà ta cho là “ ngon miệng “ trong cảm nhận chủ quan của mình, mà không quán chiếu để thấy những nhân quả, những sân hận của các con vật bị giết hại, ta sẽ ngày càng phát tán mầm móng khổ đau trong tâm hồn chính mình, phát tán cái sân hận, cái khó chịu, cái bực dọc trong tâm trí mà không hề hay biết. Dưới góc nhìn khoa học, tiêu thụ quá nhiều thịt và chất đạm cũng khiến cơ thể tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, tim mạch,…Thế mới thấy những gì ta ăn quyết định con người chúng ta.
Hơn thế, tâm sân hận còn tiêu thụ qua các giác quan khác như mắt, tai và ý thức. Vì thế, muốn một tâm hồn được phát triển lành mạnh không chỉ qua thức ăn mà còn cần cẩn trọng những gì ta nghe, ta thấy, ta suy nghiệm. Bởi “ tiêu thụ cho có chánh niệm là một điều rất quan trọng “. Là một hành trình ta phải chắt lọc và nhận thức mỗi ngày. Chớ nên nghe, nhìn những điều không dễ thương hằng ngày, những điều ích kỉ, phán xét, đố kị.
Hãy để tâm hồn hướng đến những điều hướng tốt đẹp hơn bằng việc đầu tiên là học cách tiêu thụ các thức ăn và các điều lành mạnh trong cuộc sống.
Nguyễn Ngọc Như Ý_An Giang
Bình luận