Trồng Một Nụ Cười số 4 – 10 Bài học tuổi teen
Trong hành trình trưởng thành, có rất nhiều bài học quý giá mà chỉ khi thực sự tìm hiểu, trải nghiệm ta mới góp nhặt được để hoàn thiện bản thân trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình qua từng ngày. Con/ em thực sự biết ơn khi có cơ hội được học tập những điều vô cùng quý giá qua bài chia sẻ của Tiến sĩ giáo dục Chi Nguyễn đã chia sẻ, qua đó con xin được hiểu và thu nhận những điều con học được như sau:
1. Đừng quá quan tâm người khác nghĩ gì về mình
Ai cũng có quan điểm và góc nhìn riêng, và ta không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Hãy nhìn nhận nhẹ nhàng hơn với sự khác biệt đó, vì chính điều đó mới tạo nên sự độc bản của mỗi cá nhân, khiến ta trở thành một cá thể đặc biệt trong hàng triệu người ngoài kia. Quá quan tâm người khác nghĩ gì về mình sẽ khiến hành trình sống của ta trở nên nặng nề, bị ám ảnh bởi việc phải “làm hài lòng” người khác. Thay vì quan tâm đến cái nhìn của người khác, hãy quay về nương tựa và lắng nghe bên trong ta.
2. Đừng quá căng thẳng về ngoại hình
Học cách nhẹ nhàng với bản thân hơn bằng việc ngừng áp đặt quy chuẩn sắc đẹp của người khác về mình. Mỗi chúng ta có một thị hiếu thẩm mỹ khác nhau, có một quan điểm khác nhau về cái đẹp từ đó hình thành nên quy chuẩn mang tính cá nhân. Đừng chạy theo quy chuẩn cái đẹp của người khác và đừng quá áp đặt việc phải được người khác công nhận cái đẹp của bản thân. Hãy cứ tự tin với chính mình, mình tin mình đẹp thì nghĩa là mình thực sự đẹp.
3. Đừng quá ám ảnh với việc phải sống với chính mình
Ở giải đoạn tuổi teen ta chưa có khả năng định vị bản thân, chưa biết mình sẽ là ai, là hành trình dài mà mỗi cá nhân cần thời gian để tôi luyện và tự tìm ra chìa khoá khai mở cánh cửa tâm hồn để hiểu thực sự mình là người như thế nào.
4. Làm phép thử với tất cả những gì mình hứng thú
Tại sao lại không thử? Hãy cứ thử sức với những lĩnh vực mà bản thân thấy hứng thú, đây là cơ hội để ta biết mình thực sự phù hợp với điều gì. Những năm tháng thanh xuân là cơ hội để ta trải nghiệm và sống ý nghĩa, nhiệt huyết với những trải nghiệm ấy. Vì thế hãy cứ dấn thân, cứ trải nghiệm, và cứ thử. Thử để cho bản thân cơ hội theo đuổi những điều thực sự phù hợp
5. Học với trí tò mò
Hãy học vì khát khao khám phá tri thứ. Nếu ta đặt tư tưởng vào điểm số, danh hiệu và chức vụ, ta sẽ dễ dàng rơi vào thất vọng, vì mọi thứ trong cuộc sống vốn dĩ không có gì chắc chắn hoàn toàn. Thế nên đừng trở thành nô lệ của của điểm số, đừng quá áp đặt bản thân phải trở nên xuất chúng và đừng cố chạy theo thành tích mà bỏ quên sự tò mò thực sự đối với tri thức.
6. Đừng so sánh bản thân với người khác
Hãy lắng lòng mình lại, đón lấy sự bình yên trong tâm hồn, từ bỏ việc so sánh bản thân với người khác. So sánh là tự ta tạo ra một cuộc chiến trong tâm hồn mình, vì mỗi người có hành trình khác nhau, đích đến khác nhau. Bản thân người trẻ sẽ không đủ sự vững chãi trong tâm tưởng để bóc tách đâu là so sánh tích cực và tiêu cực. Vì thế hãy ngừng việc so sánh, hài lòng với bản thân là một trong những cách hữu hiệu giúp tâm hồn ta được nhẹ nhàng.
7. Biết ơn những gì mình đang có
Hãy luyện tập lòng biết ơn từ những điều nhỏ nhất. Đây là “liều thuốc giải độc” cho tâm hồn, giúp ta rũ bỏ được những tư tưởng nặng nề như so sánh, ganh tị, không hài lòng với bản thân,… Hãy cho bản thân cơ hội “nhìn sâu để hiểu thấu” thế giới nội tâm của mình và thế giới rộng lớn ngoài kia để biết rằng có rất nhiều điều tốt đẹp. Vũ trụ luôn che chở và yêu thương ta bằng cách nào đó, nên hãy bắt đầu xây dựng thói quen biết ơn cuộc sống từ hôm nay.
8. Chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần
Xây dựng thói quen sống tích cực hơn như ăn uống lành mạnh, tập thể dục thể thao thường xuyên, hình thành và phát triển tư duy tích cực,… Hạnh phúc đến từ sự chăm sóc bản thân mình từ bên trong ngay ở hiện tại, đừng cố chạy theo hình mẫu nào ở tương lai. Hạnh phúc không phải đích đến mà là một cuộc hành trình, và hành trình đó sẽ thật ý nghĩa nếu ta biết quay về chăm sóc sức khoẻ bản thân ta cả bên trong lẫn bên ngoài.
9. Không bao giờ là quá muộn để thay đổi
Không bao giờ là trễ để theo đuổi và thay đổi một điều gì đó. Vì những thứ ta học được, tu dưỡng được vốn dĩ vẫn luôn tồn tại bên trong tà theo một dạng thức nào đó. Thế nên ta hoàn toàn có thể áp dụng nó trong cuộc sống của mình và tiếp tục theo đuổi những điều mới mà ta nhận ra phù hợp với bản thân mình hơn. Không bao giờ là quá trễ để hành động, nên hãy cứ tiến về phía trước và tin vào bản thân mình!
10. Trưởng thành không đồng nghĩa với sự ổn định hoàn toàn
Tất cả chúng ta đều đang trên hành trình khám phá và định nghĩa bản thân, và không ai có thể biết chắc chắn được cuộc sống tương lai của bản thân sẽ ra sao. Đừng quá phụ thuộc vào lời khuyên của người khác, vì đó cũng vốn dĩ xuất phát từ những định hướng mang tính dự đoán mà họ nghĩ phù hợp với ta ở thời điểm hiện tại. Mọi thứ đều có thể sẽ thay đổi, hãy dựa vào bản thân mình vì đến cuối cùng chỉ có bạn chịu trách nhiệm với cuộc đời bạn. Hãy học tập và trau dồi, trải nghiệm, thay đổi để trưởng thành hơn từng ngày.
Nhắn nhủ với bản thân hàng ngày: Không sao cả, hãy cho bản thân thời gian để trải nghiệm, để nắm lấy những cơ hội, để sai và sửa sai, đừng quá lo lắng về tương lai. Hãy khám phá thế giới với sự tò mò trên con đường tìm hiểu và định vị chính mình.
BÀI CẢM NHẬN SỐ 1: TIÊU THỤ SÂN HẬN QUA CÁC GIÁC QUAN
Tâm thức con người được xem là khỏe mạnh khi điều đó được dựng xây trên sự dung hòa bởi sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần, để tâm thức được sáng tỏ hanh thông cũng là một hành trình dài tôi luyện cho sức khỏe vững mạnh. Và có lẽ, để đạt được sự khỏe mạnh, sự hòa bình trong tâm hồn, vươn đến sự bình an, thanh thản trong tâm thức là khi ta biết bắt đầu từ việc nhỏ nhất: chọn lọc những gì ta đưa vào cơ thể và tâm trí.
Sân hận, bực bội, tuyệt vọng dường như trở thành một dòng nhận thức tiêu cực bám víu vào những mảnh tâm hồn của những người tiêu thụ các thức ăn khởi sanh từ sân hận, từ đau khổ: từ nỗi đau của những con vật bị kết liễu trong đau đớn đến cùng cực, từ lòng hận thù khi bị sát hại, từ sự tuyệt vọng bủa vây chẳng thể thoát khỏi số mệnh khốn cùng. Những dòng cảm xúc ấy qua quá trình con người tiêu thụ các thức ăn hàm chứa sẽ dần bóp méo phần ý thức sáng trong, trí tuệ của bản thân, làm con người dễ nổi nóng hơn, dễ sanh tâm hận thù, phát xét, khiến ta sa đọa vào vũng lầy của những xúc cảm tâm tối, càng vùng vẫy lại càng lún sâu hơn. Thế mới thấy, những phần thức ăn ta dung nạp vào bản thân mỗi ngày đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng, phát triển bề sâu tâm hồn, phát triển những thứ thuộc về “ bên trong “. Nếu ta dung nạp những thứ dễ chịu ta sẽ giúp tâm hồn mình ngày càng chánh niệm, rộng mở để đón lấy nhiều điều dễ thương hơn, từng bước trở về an trú trong tỉnh thức. Ngược lại, nếu ta chỉ chú ý đến tướng món ăn, ta chỉ dung nạp những thứ mà ta cho là “ ngon miệng “ trong cảm nhận chủ quan của mình, mà không quán chiếu để thấy những nhân quả, những sân hận của các con vật bị giết hại, ta sẽ ngày càng phát tán mầm móng khổ đau trong tâm hồn chính mình, phát tán cái sân hận, cái khó chịu, cái bực dọc trong tâm trí mà không hề hay biết. Dưới góc nhìn khoa học, tiêu thụ quá nhiều thịt và chất đạm cũng khiến cơ thể tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, tim mạch,…Thế mới thấy những gì ta ăn quyết định con người chúng ta.
Hơn thế, tâm sân hận còn tiêu thụ qua các giác quan khác như mắt, tai và ý thức. Vì thế, muốn một tâm hồn được phát triển lành mạnh không chỉ qua thức ăn mà còn cần cẩn trọng những gì ta nghe, ta thấy, ta suy nghiệm. Bởi “ tiêu thụ cho có chánh niệm là một điều rất quan trọng “. Là một hành trình ta phải chắt lọc và nhận thức mỗi ngày. Chớ nên nghe, nhìn những điều không dễ thương hằng ngày, những điều ích kỉ, phán xét, đố kị.
Hãy để tâm hồn hướng đến những điều hướng tốt đẹp hơn bằng việc đầu tiên là học cách tiêu thụ các thức ăn và các điều lành mạnh trong cuộc sống.
BÀI CẢM NHẬN HOẠT ĐỘNG TRỒNG MỘT NỤ CƯỜI SỐ 9 CHỦ ĐỀ TRÂN TRỌNG CHÍNH MÌNH
Định nghĩa hạnh phúc thuộc về mỗi người là không giống nhau,và có những người hạnh phúc với họ chỉ đơn giản là được tồn tại trên đời,được lành lặn.Khi ta được lành lặn là đã hạnh phúc hơn biết bao nhiêu người khổ hạnh ngoài kia,và vì thế mà ta thấy tay và chân là những bộ phận vô cùng quan trọng.Tạo hoá cho ta đôi tay để cầm nắm, để trao đi những cái ôm dịu dàng đến với người ta yêu thương,cho ta đôi chân để đi thật nhiều đến những vùng trời mới trải nghiệm.Nhưng quy luật cuộc sống luôn khắc nghiệt, sẽ có những thứ đã hoạch định ta chẳng thể níu giữ được, và cũng không thể mãi vững vàng bước qua những nhọc nhằn đi đến tận cùng yêu thương. Và một trái tim nhân hậu,đủ lượng thứ, đủ từ bi sẽ giúp ta làm được những điều mà đôi chân và đôi tay không thể làm được.
Một trái tim yêu thương sẽ là chìa khoá mở cánh cửa hạnh phúc.” Sống trên đời sống cần có một tấm lòng ” ( Trịnh Công Sơn ) và ” tấm lòng ” ấy sẽ vỗ về phần góc khuất tâm hồn ta,sẽ nuôi dưỡng tình thương, sự sẻ chia, bao dung trong tim ta ngày càng ấm nồng và to lớn.Và như Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng viết: ” Hạnh phúc không phải là đích đến mà là một cuộc hành trình “.Hành trình ấy là hành trình ta nuôi dưỡng trái tim mình ngày càng lớn lên trong sự bao dung và nhân hậu. Một trái tim yêu thương sẽ dạy ta biết đủ, hạnh phúc không nằm ở việc ta đang có gì, mà là ta có thể cho đi những gì. Và qua đó ta thấy, trái tim thuộc phạm trù của yêu thương,nó sẽ giúp ta làm được những điều đôi chân và đôi tay không làm được. Một trái tim tử tế sẽ luôn là chìa khoá mở cánh cửa thương yêu.
Mỗi sinh linh đến với thế giới này đều tồn tại một sứ mệnh riêng. Nhưng có lẽ, tựu trung sứ mệnh mà con người luôn hướng đến trong hành trình sống đúng như nhà văn Đức W. Gớt từng nói: ” Sứ mệnh của con người là sống chứ không phải tồn tại “. Nhưng thế nào mới là sống? Phải chăng ấy là khi ta biết trân trọng chính bản thân mình.
Thật vậy, trân trọng chính mình là một điều cốt yếu mà con người cần có. Trân trọng chính mình là trân trọng cả tâm hồn và cơ thể mình. Có ai đó đã nói rằng: Nếu như tâm hồn là gốc rễ, là nơi ẩn chứa tâm tư, nghĩ suy, thì cơ thể lại là ngôi nhà, là nơi an trú của tâm hồn, là phương tiện để bạn trải nghiệm thế giới muôn sắc, muôn vẻ ngoài kia. Biết trân trọng chính mình cũng là bước đầu để ta biết rộng lòng để trân trọng mọi điều bé nhỏ hiện hữu trong cuộc sống.
Tạo hóa tạo ra con người với trái tim và bộ não. Bộ não là để tư duy, suy nghĩ, thẩm định những vấn đề diễn ra xung quanh ta. Trái tim là mạch nguồn của dòng huyết chảy yêu thương, với đầy đủ lẽ ghét thương, căm giận. Và ta trân trọng chính mình cũng chính là trân trọng mọi cảm xúc xuất phát từ trái tim mình, cho phép mình được vui được hạnh phúc. Nhưng cũng đừng che giấu nỗi buồn đau và giọt nước mắt đang ngậm ngùi nuốt vào trong. Hãy trân trọng mọi cảm xúc của mình, biết thương mình thì mới có đủ tình thương để trao cho người khác. Và hãy học cách lắng nghe và thấu hiểu bản thân, vì lắng nghe và thấu hiểu chính là con đường êm ái nhất đưa ta gần đến với thế giới tâm hồn của một người. Dành thời gian tu dưỡng, chăm sóc nội tâm của mình. Một nội tâm vững chãi sẽ giúp ta vượt qua bão giông của cuộc đời. Hãy sống như những bông hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời, ánh sáng trong tâm hồn sẽ soi chiếu cho hành trình sống của ta.
Một khi chúng ta nhận ra vịêc yêu thương, trân trọng bản thân là cần thiết, mỗi người sẽ biết quý trọng và dành thời gian quan tâm, hiểu rõ bản thân cần gì, múôn gì, từ đó sẽ biết cách tạo ra giá trị cho chính mình.
Hãy biết trân trọng chính mình, là phiên bản tốt nhất của chính mình, trong đầu có trí tuệ, trong tim có yêu thương.
Như Ý
Bình luận