Ba lần về Việt Nam
Chúng tôi gặp Philipp Roesler khi ông trở lại Việt Nam trong vai trò Giám đốc điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) và tham dự hội thảo “Vai trò doanh nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế” trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Việt Nam và WEF, do Bộ Ngoại giao phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 28/11/2014. Đây cũng là lần thứ 3 ông trở về Việt Nam – nơi ông đã sinh ra và luôn xem là một phần máu thịt trong cuộc đời mình.
Chân dung Philipp Roesler. |
Tiến sỹ Philipp Roesler sinh ngày 24/2/1973 tại Khánh Hưng, Ba Xuyên (nay là tỉnh Sóc Trăng), không rõ cha mẹ, họ tên gốc và được nuôi trong một viện mồ côi công giáo, do các nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng Portieux coi sóc. Cha nuôi là một người lính trong quân đội Đức. Trong thời gian đào tạo phi công lái máy bay lên thẳng ở Mỹ hồi những năm 1970, ông đã quen với một đồng nghiệp người Việt.
Qua người bạn này, ông được biết sự cùng khổ mà chiến tranh gây ra cho Việt Nam, nơi có rất nhiều trẻ mồ côi. Đó chính là lý do mà năm 1973, với sự giúp sức của người bạn này, ông quyết định sang Việt Nam và nhận Philipp Roesler làm con nuôi, khi cậu bé vừa tròn 9 tháng tuổi. Với tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ nuôi, Philipp Roesler đã trưởng thành trong môi trường sống và giáo dục như một người Đức chính cống.
Sau khi theo học y tại Trường Y khoa Hannover, tiếp đó là bệnh viện của lực lượng quốc phòng liên bang ở Hamburg, năm 2002, Philipp Roesler lấy bằng Tiến sĩ Y khoa. Năm 19 tuổi, Philipp Roesler đã gia nhập đảng Dân chủ tự do (FDP), nhưng ông chỉ thực sự chuyên chú vào sự nghiệp chính trị và thăng tiến rất nhanh là vào những năm 2000. Sở hữu một trí tuệ thông minh, sắc sảo, biệt tài diễn thuyết, hòa nhã và khéo léo trong ứng xử…, Philipp Roesler đã lần lượt lập nhiều kỷ lục trên chính trường Đức khi trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế trẻ nhất (năm 2009), Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ trẻ nhất (năm 2010), Chủ tịch đảng trẻ nhất, Phó Thủ tướng trẻ nhất (năm 2011) và là người gốc nước ngoài đầu tiên tại Đức nắm giữ cương vị này. Sau khi thôi giữ chức Phó Thủ tướng Đức vào năm 2013, Philipp Roesler trúng cử vào vị trí Giám đốc điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).
Năm 2006, Philipp Roesler cùng phu nhân trở về Việt Nam – nơi ông đã được sinh ra. Đây cũng là lần đầu tiên ông tìm về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, với tư cách của người con xa quê sau những năm dài biền biệt. Ông cùng vợ đã đi qua nhiều vùng đất khác nhau trên dải đất hình chữ S, nhưng không đến Khánh Hưng để tìm lại trại trẻ mồ côi vì đã nhiều lần ông tìm kiếm trên bản đồ nhưng không thấy có địa danh này.
May mắn đến với ông khi tham quan Dinh Độc Lập (TP Hồ Chí Minh), tình cờ tìm thấy một bản đồ cũ của Mỹ có ghi địa danh đó, Khánh Hưng đã được đổi tên sau ngày Việt Nam thống nhất, thuộc tỉnh Sóc Trăng ngày nay. Và sau chuyến đi này, ông đã nối lại được liên lạc với sơ Mary Marthe, người đã chăm sóc ông trong những năm tháng đầu đời ở Khánh Hưng qua email của một người bạn.
Nhớ lại những cảm xúc trong lần đầu tiên trở về Việt Nam, Philipp Roesler chia sẻ rằng, điều khiến ông cảm thấy thú vị là những người ông tiếp xúc đều cho rằng, ông không sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, mà là Việt kiều Mỹ về thăm quê. Chính cách nghĩ này khiến quê hương trong ông trở nên thân thương và gần gũi hơn, dẫu những ký ức về nơi này tưởng như đã trở nên xa xôi với một cậu bé ra đi khi mới tròn 9 tháng tuổi.
Kể về người cha nuôi là quân nhân của mình, Philipp Roesler hồi tưởng: “Khi tôi bốn hay năm tuổi, ba tôi đặt tôi trước gương cùng ông ấy. Ông nói: “Hãy nhìn con, rồi nhìn ba, con với ba khác nhau. Nhưng dù cho điều gì xảy ra, hay người ta nói cái gì, thì ba vẫn luôn là ba của con”.
Cũng theo hồi tưởng của Philipp Roesler: “Trong thời gian làm phi công cho quân lực Đức, cha tôi đã gặp nhiều người Việt Nam. Trong những năm 1970, ông thường sang Mỹ và gặp những người Việt Nam được tập huấn ở đây. Chiến tranh Việt Nam đã ảnh hưởng nhiều đến ông, cũng như đa số những người thuộc thế hệ này. Lúc đó ông chỉ có hai lựa chọn, hoặc xuống đường biểu tình phản đối, hoặc giúp đỡ một cách thiết thực nhất. Ông đã chọn cách thứ hai, nhận một đứa con nuôi Việt Nam – đó là tôi”.
Năm 2012, Philipp Roesler trở lại Việt Nam lần thứ 2 trong vai trò Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Đức, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước. Trong lần trở về này, Philipp Roesler đã được Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Việt Nam trao bằng Tiến sỹ danh dự, thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của nhà trường đối với những đóng góp trực tiếp, thiết thực và hiệu quả của Philipp Roesler đối với ngành Giáo dục và đất nước Việt Nam.
Và tháng 11/2014 là lần thứ 3 Philipp Roesler trở lại Việt Nam với vai trò Giám đốc Diễn đàn kinh tế thế giới. Trong chuyến thăm lần này, Philipp Roesler đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Tương lai của đất nước phụ thuộc vào giới trẻ
Chia sẻ với PV Báo Công an nhân dân về những đổi thay của đất nước, con người Việt Nam sau 3 lần trở về quê hương, Philipp Roesler cho rằng, người dân Việt Nam có thể tự hào về tất cả những gì đã đạt được trong 30 năm qua. Nền kinh tế đã phát triển mạnh mẽ, với GDP tăng trưởng gấp đôi và hiện Việt Nam là một trong những nền kinh tế mạnh nhất ASEAN. Nếu có thể gia tăng năng lực cạnh tranh trong 30 năm tới, Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa.
Ông Philipp Roesler gặp gỡ Chủ tịch VCCI và báo chí bên lề hội thảo. |
Việt Nam đã có ý tưởng và nhân lực trong tay, điều cần làm là phải nâng cao năng lực cạnh tranh để phát huy tối đa những tiềm năng vốn có. Để thúc đẩy kinh tế thì doanh nghiệp cần đóng vai trò chủ động, kể cả lúc khó khăn, doanh nghiệp cần phải tự bơi bằng sức của mình. Đặc biệt, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ quyết định sự đi lên của nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.
Cũng theo Philipp Roesler, những người trẻ Việt Nam thực sự rất tài năng, sáng tạo và đầy nhiệt huyết. Họ làm việc hết sức chăm chỉ và có rất nhiều trong số đó nuôi khát vọng trở thành những doanh nhân. Do đó, điều cần làm là trao cho thế hệ trẻ cơ hội với một môi trường tốt, cũng như xây dựng hệ thống giáo dục hoàn thiện hơn.
“Tôi rất vui khi ở Việt Nam, các bạn trẻ suy nghĩ về học hành, coi trọng giáo dục và say mê học tập. Phẩm chất này khiến tôi rất ấn tượng và tự hào, vì nó không chỉ đúng với người Việt Nam tại đây, mà còn đúng với người Việt Nam sống 2, 3 thế hệ tại Đức. Theo kinh nghiệm của bản thân tôi, trong chiến lược giáo dục, bên cạnh giáo dục cơ bản, giáo dục chuyên sâu, giáo dục sau đại học cũng đóng vai trò rất quan trọng, bởi đây là nền tảng để có những doanh nghiệp thành công trong tương lai. Điều này càng quan trọng hơn khi Việt Nam là một quốc gia có dân số trẻ và tương lai phụ thuộc nhiều vào thế hệ thanh niên” – Philipp Roesler chia sẻ.
Cũng theo ông Philipp Roesler, Diễn đàn kinh tế thế giới Davos diễn ra tại Thụy Sĩ vào tháng 1/2015 sẽ là cơ hội rất tốt để giới thiệu về Việt Nam với các doanh nghiệp lớn trên thế giới. Và với vai trò là Giám đốc VEF, ông sẽ làm tất cả những gì có thể cho Việt Nam.
“Sau chuyến đi này, tất nhiên tôi sẽ quay lại Việt Nam, có thể là tháng 7 năm sau cùng với cả gia đình, gồm vợ và các con gái của tôi. Chúng tôi có 2 con gái sinh đôi và chúng luôn thắc mắc tại sao trông mình lại khác với những người Đức như vậy. Chúng tôi sẽ quay lại Hà Nội và còn có thể tổ chức một chuyến đi xuyên Việt để giải thích cho các con về cội nguồn, gốc gác dòng máu Việt trong mình” – ông Philipp Roesler cho biết.
Để thúc đẩy kinh tế thì doanh nghiệp cần đóng vai trò chủ động, kể cả lúc khó khăn, doanh nghiệp cần phải tự bơi bằng sức của mình. Đặc biệt, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ quyết định sự đi lên của nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. |
Bình luận