Có một điều đối lập thú vị trong cuộc sống mà các bậc phụ huynh thường nếm trải là tiếp sau niềm hạnh phúc, mừng vui khi nghe tin con cái đỗ đại học là nỗi ưu tư, chật vật với khoản kinh phí phát sinh mới, thêm phần gánh nặng lên kinh tế cho gia đình để chăm lo cho sự học của con. Thời chúng tôi, khoảng độ 12 năm về trước, học phí không đến nổi “ngất trời” như hiện tại nhưng Má cũng khó mà lo nổi, mà như bao gia đình khác phải nhờ cậy vào khoản vay vốn cho sinh viên theo chính sách lãi suất thấp của ngân hàng nhà nước. Vì nhà tôi hộ nghèo, lại thuộc diện gia đình chính sách, năm đầu cũng được học bổng nên cũng “dễ thở” cho Má về các khoản nợ “dai dẳng” này.
Mùa tựu trường năm nay, với 5 thành viên nhỏ nhận bảo trợ từ Quỹ Bảo trợ giáo dục Vicaris từ kỳ thi tuyển sinh, đến lúc có điểm chọn nguyện vọng và chốt chặng cuối cùng “khó thở” nhất là đóng học phí nhập học diễn ra nhiều phần trọn vẹn.
– Em Như Ý (An Giang) được tuyển thẳng khi xét học bạ 3 năm học sinh giỏi, là học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM – ngành Báo chí;
– Em Thanh Thiên (Bắc Ninh) dù có chút tiếc nuối thiếu 0,07 điểm ở NV1 nhưng em vẫn rất vui với NV2 vào trường Đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội) với 26,83đ – ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
– Em Ngọc Thủy (Tiền Giang) đậu NV3 trường Đại học Kinh tế – Luật (TP.HCM) với số điểm 25,38 – ngành Luật Dân sự.
– Em Văn Vĩ (An Giang) với chốt chặng cuối cùng NV6 đã vào học trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) với 877 điểm đánh giá năng lực – ngành Kỹ thuật phần mềm.
– Em Ngọc Anh (Bắc Ninh) với năng lực học tập của mình em đậu vào Trường cao đẳng Thống kê (Bắc Ninh)
Chặng đường dài của cuộc sống, mỗi cột mốc đi qua có thuận và nghịch, cho niềm vui cũng lắm nỗi âu lo, với hoàn cảnh các em vào đại học đã là một sự nhiệm màu vô ngần mở ra cho hiện tại và mai sau. Bởi lẽ, các em không còn “diễm phúc” là sự chật vật về nỗi lo kinh tế của ba, của má nữa, mà các em phải tự lo nổi lo của chính mình. Nhưng kiếp nhân sinh có hẳn là như cụ Nguyễn Du tỏ bày:
“…Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao…”
Quỹ Bảo trợ giáo dục Vicaris, những chiếc áo nâu, áo lam với tấm lòng, hạnh nguyện của người con Phật đã và đang ở bên cạnh để “vui cùng nỗi vui, lo cùng nỗi lo”, trao gửi tình thương, sự dìu dắt, nâng đỡ và việc quan yếu nhất của các em là “Học – Chơi – Tu dưỡng – Làm việc” còn học phí để Quỹ lo. Ấy chẳng phải:
Sống trong môi trường tốt
Được tạo tác nhân lành
Được đi trên đường chánh
Là phước đức lớn nhất.
Vừa qua, 100% học phí đại học năm nhất được Quỹ hỗ trợ cho các em với tổng số tiền cho học kì I: 13,44 tr (Như Ý) + 10tr (Thanh Thiên) + 15 tr (Ngọc Thủy) + 17,8 tr (Văn Vĩ) . Tổng: 56.240.000 đ
(Số tiền trên được chia 2 lần gửi vào đầu năm và cuối học kì, Ngọc Anh được miễn học phí).
Tôi vẫn đau đáu nhớ lại cuộc trò chuyện với bà Ngoại của Như Ý, tôi hỏi: Dạ, nếu Quỹ chỉ đóng trước 50% học phí, thì số tiền còn lại Ngoại xoay xở thế nào cho cháu?. Ngoại lặng đi một lúc rồi đáp: “Thưa Thầy, con cũng không biết thế nào”. Một chút khựng lại, ngủi lòng nhưng không quá bất ngờ bởi tôi hiểu rõ hoàn cảnh 2 bà cháu. Sau đó, Quỹ đã quyết định gom góp đóng đủ số tiền còn lại.
Thật ấm áp nữa là sau lời tâm tình “có âm mưu” của tôi, chị Phật tử ca sĩ Sa Huỳnh đã kết nối cùng đồng nghiệp mua tặng em Như Ý một chiếc xe máy trị giá 10 triệu đồng để thuận tiện đi học và về tu viện tu tập, em Văn Vĩ được các sư chú ở tu viện mua tặng một máy tính 6 triệu đồng, dù cũ mà còn rất xịn xò đủ phục vụ cho chuyên ngành kỹ thuật.
Tình thương là khúc hát tay trong tay giữa trời
Tình thương là tia nắng sưởi ấm đời lạnh khô
Tình thương như cơn mưa về
Tắm mát trái tim nặng nề
Nguyện khơi thông suối nguồn
Cho tình thương về đây.
Biết ơn, sự đồng hành bằng chất liệu “hiểu thương” của kẻ gần người xa, có ít có nhiều, có qua con số, có qua chiếc bánh trung thu hay dành thời gian, tâm lực đã vun đắp nên khu vườn thiện tâm đầy ắp những ước mơ trẻ thơ và bát ngát hương ân, tình người.
Tuệ Đạt
Bình luận