Nhà văn Maksim Gorky đã có một tổng kết như một chân lý về việc trau dồi tri thức:“ Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Điều đó đặc biệt đúng khi viết về đại dương-một thế giới kỳ bí mà cho đến giờ con người vẫn chưa thể hiểu biết hết và là sự thách thức lớn nhất với sự hiểu biết của con người. Cuốn sách con giới thiệu lần này là một trong những cuốn sách tiên phong trong chủ đề khoa học viễn tưởng – “Hai vạn dặm dưới biển”.
Trước hết, con xin tóm tắt về nội dung chính của cuốn sách. Truyện kể về 3 nhân vật: nhà nghiên cứu A-rô-nắc (Aronnax), người cộng sự Công-xây (Conseil) và Nét len (Ned Land) – thợ săn cá voi cùng tình cờ xuất hiện trên con tàu Nau-ti-lux (Nautilus) của thuyền trưởng Nê-mô (Nemo). Tàu Nau-ti-lux không chỉ là một chiếc tàu ngầm siêu hiện đại có hình cá voi đã gây bao chấn động thời bấy giờ mà còn là một thế giới riêng biệt, nơi mà A-rô-nắc và người đồng hành của ông khám phá những vùng biển sâu thẳm chưa hề lộ diện. Mỗi một lần đi là cả ba nhân vật đều để lại những cảm nhận rất riêng, con tàu đưa mọi người đi vòng quanh các đại dương, chứng kiến bao điều kì lạ, lý thú đặc sắc. Và rồi, cuộc phiêu lưu kết thúc khi con tàu rơi vào vực thẳm Man-xtơ-ri-ri, nhóm A-rô-nắc trở lại thế giới trên cạn mang theo những kỉ niệm và kiến thức mới về cuộc sống và đại dương còn số phận của con tàu và vị thuyền trưởng kia trở thành bí ẩn đến tận cuối cùng.
Điều con khi đọc sách là vào mỗi thời điểm khác nhau lại cho con những cảm nhận mới. Lần đầu tiên đọc cuốn sách là năm 12, 13 tuổi khi ấy bị cuốn hút bởi những điều chưa biết như khung cảnh dưới làn nước, con tàu Nautilus,… Có thể nói lúc đó con rất bất ngờ và cảm giác choáng váng về con tàu ấy, nó xuống đáy biển rất nhanh và ở đó rất lâu, nó cũng có thể nổi lên mặt nước với một vận tốc khủng khiếp để tiếp thêm không khí trong tàu. Đối với con lúc đó thì thấy không gian dưới biển thật sự vừa đẹp vừa nguy hiểm. Nhưng chính cái nguy hiểm kề cận cái đẹp không tưởng càng lôi cuốn con người ta khám phá, mở ra thế giới đại dương vô tận kia.
Lần gần nhất con đọc lại cuốn sách là sau khi thi xong vài ba ngày. Lần này thứ khiến con choáng váng là vốn kiến thức phong phú về nhiều lĩnh vực của nhà văn. Vận dụng vốn hiểu biết lí hóa vào việc tạo nên con tàu với “tất cả đều chạy bằng điện”. Do mới thi xong muốn thư giãn xíu mà dọc lại cuốn sách làm con như ôn lại một lần kiến thức thi. Ngoài ra, con cũng thêm phần bội phục người tạo ra con tàu Nau-ti-lux, vị thuyền trưởng Nê-mô hay những người dám nghĩ dám làm, làm ra những điều tưởng chừng không thể với nguyên liệu hoàn toàn của biển cả.
Mỗi lần đọc lại con đều còn cảm giác hân hoan và choáng ngợp như lần đầu tiên. Đối với cá nhân con, cuốn sách vừa mở thêm vốn hiểu biết sâu rộng hơn về biển cả không đề cập đến trong chương trình học, vừa là những bài học đắt giá. Đó là sự can đảm đương đầu với thử thách, là tinh thần đồng đội, là sự sức mạnh cộng đồng,… đặc biệt là tình yêu thương, sự trân quý không chỉ với con người mà còn với biển cả và còn là ý thức trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển đại dương xanh.
Cuối cùng mong rằng bài viết này có thể lan toả tinh thần đọc sách đến với mọi người. “ Đọc sách cho tâm trí cũng cần như thể dục cho cơ thể”.
Thanh Thiên
Bình luận