Một điều mà tôi cực kỳ tâm đắc khi nhắc về cuốn sách Nhà Giả Kim chính là sự kỳ diệu mỗi lần tôi đọc lại. Lần đầu đọc là những năm tôi còn học cấp hai. Lúc đó trong nhận thức bé cỏn của tôi, Nhà Giả Kim như một cuốn sách thúc đẩy con người ta chạm tay đến ước mơ và sống cuộc đời mà họ muốn. Nhưng điều bất ngờ lại đến khi tôi đọc lại nó vào thời gian này – sau lần đọc đầu tiên 3 đến 4 năm, tôi cảm thấy nó không còn như tôi mường tượng, thế giới của Nhà Giả Kim lại mang một màu sắc khác, một nỗi lòng khác, một tinh thần khác, và một thông điệp ý nghĩa khác.
Đầu tiên là về quyết định trở thành cậu bé chăn cừu của Santiago. Ban đầu tôi rất thán phục cậu vì đã dũng cảm mà chọn một đời sống chu du mọi nơi thay vì một nghề nghiệp ổn định như bố mẹ cậu mong chờ. Thế nhưng, càng lớn tôi càng nhận ra, người bố của cậu cũng là một người rất “dũng cảm”: ông ấy đã chấp nhận cho đứa con của mình theo đuổi khao khát đi đến mọi miền, đồng nghĩa với nhiều rủi ro, khó khăn. Chính ông bố ấy đã gạc qua tâm lý chung của nhiều bố mẹ, đó là muốn giữ con “trong lồng” mà kiểm soát vì sợ con sẽ “đau”, thay vào đó là hiểu rằng người con cũng có một cuộc đời mà cậu ta có quyền tự nắm lấy trách nhiệm. Ông bố ấy có biết chính quyết định cao cả của mình mà đã tạo ra một hành trình “truy tìm kho báu” của Santiago ý nghĩa sâu sắc với cuộc đời cậu?
Hành trình đi tìm kho báu ở Ai Cập của Santiago có phải là đi tìm một kho báu thật thụ? Ban đầu khi đọc cuốn này, tôi đã đặt một dấu chấm hỏi rất lớn khi đọc đến kết truyện. Kho báu thật sự của cậu nằm ở đâu? Cậu đi cả một hành trình dài như thế để làm gì? Có nhiều lần tôi cũng trách thầm tác giả vì sao viết truyện khó hiểu thế! Mà kỳ diệu làm sao, sau này khi đọc lại, tôi mới ngớ người ra mà đầm nước mắt khi đọc lại. Tôi mỉm cười mà hiểu ra cả một quá trình gian khổ ấy để đi kiếm tìm điều gì. Santiago chỉ vì một giấc mộng không biết thực hay ảo mà quyết định đến Ai Cập tìm kho báu. Cậu ta cứ đi miết, đi hết nơi này đến nơi khác, có lúc gặp những tên xấu mà lấy hết tiền, cũng có lúc dừng lại trở thành một nhân viên bán pha lê cho ông chủ, rồi giữa sa mạc lại nghe “trái tim” mà hoá thành tất thảy để cuối cùng gặp “Tâm Linh vũ trụ”. Cậu ta đi để làm gì? Ồ! Cậu ta đi để tìm về với chính mình! Đi để tìm thấy trong sâu thẳm tâm hồn là một kho báu bị lãng quên. Đi chính là để về! Cậu ta càng đi, cậu ta càng nghe rõ tiếng trái tim mình nói. Santiago đã đi một hành trình diệu kỳ: đó là hành trình quay về bên trong. Rốt cuộc thì tất cả những sự kiện mà cậu ta gặp, những con người, những lời nói, tất cả để cậu nhìn thấu nội tâm chính mình, tất cả để rèn luyện một trái tim thức tỉnh. Và tôi tin tất cả chúng ta đều là một Santiago phần nào đó. Quay về bên trong để tìm thấy chính-mình-thật-sự. Con người càng tiến hoá, họ càng “phải” học được cách đến gần hơn với sâu thẳm Sự Thật bên trong họ, ắt như một quy luật thiết yếu.
“Phải chăng cái chết không phải là mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là đề tâm hồn bạn lụi ngay cả khi còn sống?” (No-man Ku-sin). Trong hành trình của một đời người, tôi tự hỏi mấy ai dám lắng nghe trái tim mình mà đi theo vận mệnh? Trong những trang sách gần cuối của Nhà Giả Kim, trái tim của Santiago đã bộc lộ: ““Ai ai trên trái đất cũng đều có một kho báu chờ đợi mình”, trái tim nói. “Chúng tôi, trái tim loài người, ít khi nói về những kho báu này vì người ta không còn muốn đi tìm chúng nữa.”” Bởi vì muôn vàn lý do khác nhau, do cơm áo gạo tiền, do sợ khó sợ đau, hoặc do chẳng ai lại viển vông tin vào những lần trái tim nhói lên vì đi sai đường. Thế là dần càng lớn, họ càng quên đi thật sự bên trong họ cần gì. Truyện còn ẩn dụ đặc sắc những kiểu người trong cuộc sống sẽ làm gì với ước mơ. Như ông chủ tiệm pha lê và mong muốn đặt chân đến Mekka đại diện cho những người có ước mơ nhưng không theo đuổi nó vì sợ thất vọng, sợ sau khi đạt được rồi thì lại mất đi động lực sống. Hay như tên đầu sỏ cuối truyện đã mỉa mai Santiago, hắn đại diện cho lớp người trong cuộc sống không tin ước mơ có thực. Thế nhưng có một điều tôi đã nhận ra trong suốt câu chuyện này, đó là tất cả nhân vật đều là mảnh ghép trong một bức tranh cuộc sống toàn cảnh. Họ có xấu xa hay tốt bụng, thiện lương hay ác độc, đều bỗ trợ cho nhau mà hình thành nên cuộc sống. Thế nên tôi mới có một câu hỏi: hay ta đang đóng vai trong một buổi kịch lớn mang tên “vũ trụ”, mỗi người một vai diễn từ đó để ánh sáng được biểu hiện trong từng ngóc ngách bóng tối bao trùm?
Triết lý vũ trụ sâu sắc của Nhà Giả Kim đã truyền cảm hứng cho những ai đọc truyện này. Vào lúc Santiago nói tiếng ngôn ngữ vũ trụ với gió, sa mạc, mặt trời, truyện đã cho độc giả về triết lý tình yêu và bản chất của Tâm linh vũ trụ. Santiago đã nói lần đầu khi cậu nhập vào nó, cậu cứ nghĩ nó tuyệt diệu và hoàn mỹ. Nhưng về sau cậu mới hiểu, bản thân nó cũng chính là phản ảnh của sự vật, tức trong nó vẫn có đam mê, chiến tranh, bóng tối. “Chúng ta nuôi dưỡng tâm linh vũ trụ, và thế giới của chúng ta trở nên tốt hay xấu hơn tùy theo bản thân chúng ta tốt hay xấu hơn. Ở điểm này mới thấy được vai trò sức mạnh của tình yêu, vì khi yêu chúng ta cố trở nên tốt hơn”. Tình yêu vốn lẽ là sự vận động của vũ trụ, sa mạc nuôi chim ưng, để rồi chim ưng nuôi người, con người lại nuôi sa mạc để con mồi được lớn lên. Tình yêu là căn nguyên của cuộc sống, là năng lượng nguyên thuỷ của vũ trụ! Vì có tình yêu nên vũ trụ được tạo ra, phân tách thành những đời sống nhỏ hơn, để rồi những đời sống nhỏ ấy trải nghiệm và từ từ quay trở về làm một với Tình yêu nguyên thuỷ. Đã có lần tôi tự hỏi trái tim của mình tại sao vũ trụ được tạo ra, tại sao bên cạnh có tình yêu (ánh sáng) thì vũ trụ lại chất chứa đầy thống khổ và bóng tối? Giây phút đó trái tim đã mách cho tôi về một Sự thật, cũng như lúc Santiago giải thích về tình yêu vậy: tất thảy bóng tối và ánh sáng vốn tồn tại cùng với nhau, bỗ trợ cho nhau, từ trong bóng tối đau khổ, ánh sáng tình yêu mới có thể biểu lộ rõ ràng nhất! Tôi cũng đã từng nhìn thấy những người đi trước trong tận cùng của trầm cảm, họ lại tìm thấy lý do để sống, để tốt hơn, hẳn có lẽ trong bùn thì mới có sen, bóng tối cũng chính là ánh sáng chưa được chuyển hoá!
Đọc đến kết câu chuyện, vẫn có đôi phần tôi chưa hiểu hết ý tưởng của tác giả. Nhưng tôi tin đó là phần thú vị nhất ở đọc sách, những mơ hồ, câu hỏi sẽ để dành những năm khác đọc lại, sau khi đã gom góp đủ trải nghiệm sẽ vỡ oà mà hiểu ra. Nhà Giả Kim đã ngấm ngầm thay đổi cuộc đời tôi từ thế. Nhưng tôi vẫn nghĩ, hay do cuộc đời tôi thay đổi, mà cuốn sách cũng thay đổi theo? Nhà Giả Kim là một cuốn sách rất thú vị, như một người bạn đồng hành cùng đi qua bao năm tháng, thi thoảng sẽ thủ thỉ bên tai về Sự thật, thi thoảng lại vỗ về và đồng cảm những biến cố đời ta. Tôi tin ai đang trên con đường tìm về bản thân, sẽ đôi lúc tìm thấy chính mình trong những trang sách. Đến đây, tôi xin được trích một đoạn văn từ cuốn sách Khi “tôi” tỉnh giấc của tác giả Linh Nguyễn: “Có thể nói rằng, thông qua một nhân vật, một người tạm xem là tôi, Vũ Trụ đang trải nghiệm và đang viết về chính nó./ Đó là lý do bạn có thể nhìn thấy bản thân mình đâu đó trong cuốn sách này.” Đó là một câu văn tuy ngắn nhưng đã khiến tôi vỡ oà. Mượn câu nói từ một cuốn sách khác, nhưng tôi tin bất kỳ một cuốn sách nào, miễn chạm đến được tấm lòng người đọc, nó đã có một ý nghĩa nào đó với cuộc đời. Mỗi một người trong cuộc sống, với sự sáng tạo khác biệt của mình, là một biểu hiện trong vô vàn biểu hiện của Thượng Đế. Dẫu có vẻ tách biệt mà lại là một!
Thanh An, ngày 10 tháng 6, 2024
Bình luận