Trong những ngày qua, bạn bè “trên cõi mạng” của con rủ nhau đi “chữa lành”, đông vui lắm. Con biết vết thương mà họ muốn chữa ở đây hẳn không phải là vết thương trên da thịt, nhưng chính xác là vết thương gì, nguyên nhân từ đâu, chữa lành bằng cách nào thì chắc mỗi người sẽ có một kiểu rất khác nhau, hoặc buồn cười hơn là mọi người chỉ đang bắt “trend” thôi nhỉ!?
Vừa qua, chúng con có được phước duyên theo chân Thầy Tuệ Đạt, Sư Chú Tuệ Phát cùng các Thầy, Cô, thành viên và TNV Quỹ bảo trợ giáo dục Vicaris đến vùng đất Bảo Lâm, Lâm Đồng để tiếp nhận bảo trợ cho hai em Ka Huyền và Ka Nhẫn – đồng bào C’Ho Châu Mạ, học sinh THCS trường Lê Lợi. Trong khuôn khổ chương trình, chúng con được nghỉ lại Tu viện Bát Nhã, nơi có những đồi chè xanh mướt cùng những bậc tam cấp nhuốm màu rêu phong dẫn lên chánh điện nghiêm trang, phía trước là hàng trụ cột sừng sững, nơi có bảo tháp Quán Thế Âm bảy tầng uy nghiêm như đang chở che cho những ai đang từng bước quay về được nương tựa. Nơi có con suối uốn quanh đồi thông, ôm trọn bếp lửa hồng, ôm trọn mây đầu núi, ôm trọn cánh đại bàng theo gió tung bay. Nơi mà chỉ cần ngồi yên, lắng nghe hơi thở vào ra mỗi sớm, khi mọi thứ vẫn còn tờ mờ chìm ngập trong sương vẫn có thể hiến tặng con một không gian vô tận, miên viễn, thiên thu.
Theo lịch trình, sáng ngày 4/5 chúng con đến trường gặp Ban Giám hiệu, đại diện chính quyền địa phương, Thầy Cô chủ nhiệm để chia sẻ về chương trình bảo trợ, nền tảng đạo đức cũng như các giá trị nhân văn khác mà Vicaris đang hướng đến cũng như hiểu thêm về trường lớp, thầy bạn của Ka Nhẫn, Ka Huyền. Theo chân anh hướng dẫn, đoàn vào lớp giao lưu, cô giáo của Nhẫn chia sẻ, các em ở đây rất rụt rè, ngày đầu tiên nhận lớp cô phải mất hơn 10 phút để biết được tên của mỗi em. Ở lớp đông nhất cũng khoảng 15 em, phần lớn học xong cấp 1 thì các em đều phải cùng ba mẹ lên nương, rẫy để tìm cái ăn, cái mặc. Sau vài mươi phút giao lưu, số ít các em đã nhoẻn miệng cười tươi, vỗ tay khi chúng tôi hát và chụp ảnh lưu niệm cùng nhau. Chúng tôi tạm biệt nhà trường, di chuyển về nhà các em, chuyện trò, chia sẻ và lắng nghe những trăn trở, tâm tư của người cha 62 tuổi, một mình nuôi bảy người con khôn lớn khi vợ không may qua đời lúc con út – Ka Nhẫn chỉ được vài tuổi, của đôi vợ chồng gần 40 tuổi – ba mẹ của Ka Huyền, quanh năm bám sát ruộng rẫy chỉ mong cho con được ôm cái chữ trưởng thành.
Giọt nước mắt rơi khi nghe những lời sẻ chia đầy tình thương mà Cô Ngân dành cho Ka Nhẫn: “Bây giờ dẫu mẹ không hiện diện ở đây, nhưng con biết không, mẹ con vẫn luôn có mặt trong con, mẹ con vẫn luôn dành cho con tình yêu đẹp nhất, to lớn nhất và cô tặng cho con quyển sách Bông hồng cài áo của Thiền sư Nhất Hạnh, cô mong rằng con sẽ cảm nhận và hạnh phúc với tình thương mà mẹ luôn dành cho con…”, rồi cô và Thầy TD đọc lên những câu thơ:
Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời!
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi…
Con lặng người, mắt Ka Nhẫn long lanh, em ôm quyển sách vào lòng, Cô Ngân ôm em trong vòng tay ấm áp, yêu thương. Và như thế, Vicaris đến với Ka Huyền, Ka Nhẫn cũng như đến với hơn hai mươi em trên khắp mọi miền đất nước như thế. Vicaris không mang đến những món quà hay phong bì, Vicaris mang đến cho các em những người bạn đồng hành, những vòng tay yêu thương, những người đi trước luôn cạnh bên chia sẻ, động viên và yểm trợ, điều mà con nghĩ tất cả chúng con đều cần đến trong cuộc sống này, huống nữa là các em – những bàn chân tập tễnh, khó nhọc đang đơn độc bước đi ở những miền quê xa xôi, nghèo khó.
Rời nhà các em, chúng con mang theo hai bộ hồ sơ bảo trợ như hai bàn tay nhỏ với ánh mắt ngây thơ, từ nay đã đặt vào vòng tay ấm của Quý Thầy, Sư Cô, các TNV và các anh, chị, em trong Gia đình Vicaris. Mọi người sẽ yểm trợ, sẻ chia và nâng đỡ nhau, hai em không còn đơn độc khi giữa buôn làng bạn bè đến lớp ngày một ít đi, giữa gia đình, mẹ cha phải miệt mài bên bờ nương, dốc suối trên suốt hành trình trưởng thành của mình. Đất trời Bảo Lộc chiều nay tắm mát núi rừng và chim muông bằng một cơn mưa thật lớn. Dưới “cánh đại bàng” dang rộng, chúng con quây quần bên nhau cắt dán, vẽ tô… làm những chiếc nón thật dễ thương. Sư Chú Tuệ Phát đang phác họa bức tranh Tu viện Bát Nhã bên gốc phượng vàng tỏa bóng, hòa vào thiên nhiên, nét đẹp giản đơn, dung dị đến nao lòng. Có lúc, con dừng vẽ, nhìn kỹ từng Thầy, từng Sư Cô, từng cô, chú, anh, chị và các bạn trẻ chung quanh, con nhìn lên Bụt, Bụt màu hồng đang mỉm nụ cười như nhiên, ngoài kia mấy chiếc lá thông đang ôm những giọt cam lồ trắng bạc không ngừng đổ xuống. Con thấy mình may mắn và hạnh phúc biết bao. Tứ chúng đồng tu – phải, ở đây đang có tứ chúng đồng tu, đang trong thời khóa thiền vẽ, thiền nghe tiếng mưa rơi, những hạt mưa ấy cũng đang thiền, thiền ôm với lá thông, với cỏ cây, với đất mẹ. Bụt cũng đang thiền, thiền nhìn những đứa con của Bụt đang làm cho Bụt được biểu hiện tròn đầy, thảnh thơi.
Tối nay, sau giờ thiền tọa, tụng Kinh và nghe đọc bài Kinh Tám điều giác ngộ, những lời pháp như cơn mưa nhẹ nhàng thấm mát mảnh vườn tâm. Kết thúc buổi công phu, chúng con bước đến bếp lửa ở giữa đồi thông đã được nhóm sẵn, ngọn lửa ôm lấy mấy cành cây ẩm ướt, làm khô rồi dần dần bốc cháy. Con thấy những muộn phiền cạn cợt trong tâm mình trước khi tham gia chuyến đi này như những cành củi nhỏ, khô đã được ngọn lửa tình thương, tĩnh lặng từ Tăng thân, từ thiên nhiên đốt cháy cả rồi. Giờ đây, còn lại những thanh củi to, ướt của ý niệm tham sân đang vùi trong tàng thức, ít nhiều cũng được xông tẩm, ôm ấp bởi muôn vạn lời pháp ngay giây phút này tương thuyết, ấm áp, thiêng liêng. Tiếng tí tách của bếp lửa hồng hòa vào lời hát thiền ca nhẹ nhàng đi vào lòng người con Bụt. Con đưa tay, dành sức kéo những cành củi to hơn vào trong lửa để chúng được hong khô và đốt cháy, những thanh củi ấy sẽ cho ra nhiều nhiệt lượng, nhiều than hồng, làm chín trái bắp, củ khoai… cũng như đang tự nhủ lòng mình hãy dành thêm thời gian và không gian để mở bung “những chiếc hộp”, đưa những hạt giống chưa đẹp, chưa hay lên cho năng lượng của chánh niệm, của hiểu thương ôm ấp và trị liệu. Những hạt giống này sẽ làm cho rừng cây hiểu thương thêm lớn, thêm xanh.
Sớm hôm sau, chúng con được thực tập năm cái lạy, nhớ lần đầu nghe lời đọc, toàn thân con xúc động, con thấy ngạc nhiên xen lẫn hạnh phúc và nhẹ nhõm khi biết rằng trong con có Bụt, có Tổ, có gia đình huyết thống lẫn gia đình tâm linh. Có trí tuệ, có từ bi, có vụng về, yếu kém… con có tất cả những vốn liếng đó từ tiên Tổ, từ Bụt, từ Thầy và tất cả không dừng lại ở đây, con đang được hai dòng Tổ tiên nắm tay đi về tương lai, có cả con cháu tâm linh và huyết thống đang ngay trong giây phút này. Điều đó là một khám phá vĩ đại nhất mà con được biết. Lần thực tập này, con chỉ yên lặng và theo dõi hơi thở của mình thôi, con biết con đang thở với tất cả các tế bào đang biểu hiện lúc này. Lạy Bụt xong, chúng con theo chân Sư Cô Tường Chơn, đặt từng bước chân cẩn trọng lên con đường nhỏ bên đồi thông rồi ôm trọn lấy đồi chè ở Tu viện. Thật dễ thương làm sao những con chữ “trà thơm”, “đẹp lắm”, “thở đi”… từ nhiều viên sỏi nhỏ tạo thành.
Bàn tay hoa,
Bàn tay hoa, ôm từng viên sỏi nhỏ,
Dệt thành tiếng chuông,
Chân bước đi,
Chân bước đi, chạm tiếng chuông,
Yên lắng, mỉm cười.
Khoảng 7g sáng, chúng con cùng nhau chuẩn bị trồng 200 cây chiên đàn – giống cây cho gỗ có hương thơm rất quý, phù hợp trồng rừng hoặc khai thác từ sau 15 năm vì có giá trị kinh tế cao, cây cũng được nhắc đến nhiều trong Kinh điển, trồng phổ biến tại Úc và Ấn Độ, từ năm 2005 được Viên nghiên cứu cây giống Việt Nam mang về trồng thử nghiệm và lành thay khi giống cây này chẳng những phù hợp thổ nhưỡng nước ta mà còn cho ra mùi thơm vào hàng thượng phẩm hơn các nước bạn. Từ ấy đến nay, cây chiên đàn luôn được khuyến khích trồng song vẫn chưa được nhiều người biết đến. Thầy Tuệ Đạt luôn chọn chiên đàn làm giống cây gieo vào lòng đất mẹ trong suốt 05 năm trở lại đây. Có hơn 5000 cây được trồng tại nhiều chùa, tu viện dọc các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Chúng con cũng may mắn trồng được một cây bên hiên nhà mình, thân cây thẳng cao, nhánh lá có thể phơi nấu trà, uống cùng vài lát nhào khô, hương thơm dịu nhẹ, hoa chiên đàn có màu hồng nâu, mọc từng chùm nhỏ rất dễ thương.
Giữa núi đồi Bảo Lộc, dưới tán cây xanh mát, bức tranh vẽ tay Tu viện Bát Nhã bên hai hàng câu đối trên nền lá sa kê: “Gieo hạt hiểu thương, Giữ thơm quê mẹ” và những vật phẩm thuần tự nhiên được em Bảo Ngọc chuẩn bị như chậu hoa, túi xách, xà phòng, bàn chải đánh răng… cùng nhiều người con Bụt đang quân quầy bên nhau, cho nhau sự cần mẫn và có mặt của mình, con thấy thật trọn vẹn. Từng cây chiên đàn được nhẹ nhàng mở bầu đất, đưa vào lòng Đất mẹ, những bàn tay dày lên vì đất đỏ, những vầng trán lấm tấm mồ hôi, tấm lưng ướt đẫm, miệng tươi rói nụ cười. Nắng bắt đầu chói chang cũng là lúc buổi trồng cây hoàn mãn, chúng con được cùng nhau hòa mình vào dòng suối mát.
Đất bám trên tay,
Theo dòng nước mát,
Lại về trong đất,
Nâng niu tháng ngày.
Chúng ta ngồi đây,
Ôm dòng nước chảy,
Êm như tay mẹ,
Lòng như mây bay.
Chiều hôm nay là khoảng thời gian cuối cùng đồng hành cùng nhau, chúng con được theo chân Quý Thầy, Cô và tăng thân về Phương Bối, về vạt rừng Đại Lão, nơi có suối Tiểu Khê, có thất Thiền Duyệt, có ngọn đồi với ngọn lửa vĩ đại được mồi lên để đón giao thừa, cháy suốt ngày đêm, tiếng nổ của mấy đốt tre to làm kinh động núi rừng… Có rau rịa, có đồng bào thiểu số lên rừng hái măng, có Nguyên Hưng và những câu chuyện… Có rất nhiều thân thương nơi Phương Bối mà con được thấy khi bước chân vào “Nẻo về của ý”. Hôm nay, những bước chân ấy lần nữa được in lên da thịt đỏ au của đất mẹ, hàng thông khẳng khiu, im đứng như dang tay đón những đứa con xa xứ trở về. Trời bắt đầu vầng vũ, ngồi ăn bên nhau chưa bao lâu, giọt cam lộ đầu tiên nhỏ xuống, chúng con được hướng dẫn về một chiếc thất nhỏ trú mưa. Đoàn vừa vào đến cũng là lúc mây sà sát đất, đổ mưa. Bước vào trong, con cảm nhận sự ấm áp, bình dị và thân quen, bất giác trên môi đón nhận một nụ cười. “Con chào Sư Ông”, phản xạ tự nhiên khi nhìn thấy hình Sư Ông trên kệ sách, như nhìn thấy người ông, người thầy ở nhà, chị Tiểu Khê – con gái nhà thơ Nguyễn Đức Sơn trêu chọc: “Sư Ông kỳ ha, con cháu ghé thăm, chào hỏi mà Sư Ông không nói lời nào! Sư Ông kỳ ghê!”. Chúng con lẳng lặng di chuyển hết vào trong, dùng xong buổi trưa và ngồi bên nhau chuyện trò. Không biết có phải vì lời “than trách” của chị Tiểu Khê khi nãy không mà giữa cơn mưa cam lộ đó, có hai lần sét nổ inh trời, lần đầu mọi người bảo nhau: “Đến giờ mới biết sét đánh ngang tai là như thế nào”, lần thứ hai thì ánh sét chớp lòa ngay cạnh thất, tiếng nổ như xé toạc không gian làm tắt đèn chiếu sáng. Vài người kinh ngạc, chúng con nhìn nhau cười: “Sư Ông chào đón mọi người đó”, con trai nhỏ của con đang chơi phía trước cũng được phen giật mình và đi vào bên trong. Sau tiếng sấm vang trời đó thì cơn mưa dịu lại, Thầy Trời TD mân mê từng cuốn sách trên kệ, thoáng trong sâu lắng, Thầy lần lượt giới thiệu đến mọi người nội dung chính của từng đầu sách. Sách dành cho thầy, cô giáo, cho các nhà tâm lý học, cho hạnh phúc gia đình, cho kết nối truyền thông, cho thiếu nhi, cho thanh thiếu niên, cho tuổi trẻ, cho thực tập và chuyển hóa, cho cư sĩ và xuất sĩ… đối tượng nào, lĩnh vực nào cũng nhận được kho tàng từ Sư Ông. Kệ sách hơn trăm đầu sách, được Thầy chia sẻ đến mọi người, trong đó, con thấy ấn tượng nhất với quyển “Đập vỡ vỏ hồ đào”, con chưa được đọc, song cảm thấy có chút gì đó trong con còn rất cứng như vỏ của quả hồ đào, con cũng biết trong con có chút gì đó rất xốp mềm, béo thơm và nhiều dinh dưỡng như nhân của quả hồ đào ấy. Con sẽ tìm đọc thêm… hiii… Chúng con cười: “Thầy review sách hay quá!”, câu nói đơn giản ấy thôi nhưng con biết trong mỗi chúng con ai cũng đã được chạm tới một chút gì đó thật sâu lắng trong lòng mình và thầm biết ơn Thầy đã có mặt ở đây!
Trời ngừng mưa, chúng con từng bước đến bên hai hàng thông đang đứng yên ở đó. Trái thông rơi trên đất rất nhiều, nền đất êm mượt, những giọt mưa ôm tán cây thỉnh thoảng buông tay thả mình xuống đất, xuống vai, xuống áo người ngang qua. Bước đến lưng đồi, chúng con lắng lòng đôi mươi phút và thực tập thiền ôm cây. Những vòng tay ôm giữa bóng chiều đổ xuống, hơi thở quyện hòa vào bầu khí quyển mông mênh, trong phút giây con thấy mình đâu cần gì thêm nữa, tất cả đã viên mãn, tròn đầy!
Con đã tới vòng tay trái đất,
Tổ tiên xưa cùng có mặt một lần,
Con đã về với phút giây hiện tại,
Hạt tương lai vừa thấm nhuận hồng ân!
Hành trình: “Gieo hạt hiểu thương” đã kết thúc nhưng hành trình về với chính mình, về với hiểu thương, về với những kho tàng vô giá mà chúng con được truyền trao vẫn đang chờ chúng con từng ngày cất bước. Mỗi khoảnh khắc, mỗi phút giây tròn đầy đang biểu hiện, chỉ cần chúng con có mặt và an trú thì ngay khi đó chúng con đã và đang hoàn tất việc “chữa lành”.
Cát Anh
Bình luận